Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Nhận Thức Chế Độ Ngủ Đa Pha

       Ngủ đa pha (Polyphasic Sleep) hiểu đơn giản nhất là ngủ nhiều giấc trong 1 ngày. Tuy nhiên, đây thường là các giấc ngủ ngắn, mỗi giấc ngủ có thời lượng tương đối ngắn (vài tiếng đồng hồ) đến cực ngắn (20 phút). Tổng thời gian ngủ trong một ngày ít đến kinh ngạc, có thể xuống đến 2 tiếng và tất nhiên chất lượng giấc ngủ được đảm bảo. Đó là khái niệm cần biết ban đầu. Đến nay tôi vẫn ghi lại phần này, bởi vì nó như nhắc nhở tôi về con đường mà tôi đã chọn.

Vậy ngủ đa pha có những lợi thế nào?
1. Như trên đã nói, bạn sẽ có cảm giác thời gian trong 1 ngày là vô tận. Có những người chỉ ước họ có nhiều thời gian hơn để hoàn thành một mục tiêu nào đó, thì đây, chính Polyphasic Sleep đã giúp bạn rồi. Có nhiều thời gian hơn vẫn là một lợi thế rất đáng trân trọng.

2. Thời gian nhiều lên, bạn cũng có rất nhiều cơ hội làm được những điều bạn mong muốn mà từ trước không thể thực hiện được. Chỉ cần làm vài con tính, mỗi ngày ngủ ít đi vài tiếng, là bạn có thể dư ra tới 20 năm so với những người bình thường khác. Ví dụ, nếu bạn ngủ Uberman (2 tiếng 1 ngày), và tính trung bình con người ngủ 8 tiếng 1 ngày, thì nghĩa là 1 năm của bạn dài bằng 4 năm của người thường. Và như vậy, chỉ cần 5 năm trong cuộc đời ngủ Uberman, bạn đã có dư ra thêm 20 năm! Cuộc sống của bạn dài ra, tạo điều kiện để bạn trải nghiệm được nhiều hơn, dày dạn phong trần hơn và luôn luôn sẵn sàng cho bất cứ công việc gì.

3. Đầu óc tỉnh táo minh mẫn (khi quen), do thức nhiều hơn nên bạn sẽ muốn bồi bổ, và tập luyện cũng dễ dàng hơn nên nói chung tinh thần và thể chất của bạn sẽ khỏe hơn rất nhiều so với những người ngủ bình thường. Cảm giác lúc nào cũng như bạn vừa ngủ dậy, rất sảng khoái. Vấn đề sức khỏe là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, và bạn có thể yên tâm rồi đấy!

4. Lối sống có kỷ luật lành mạnh. Khi đã theo được PolySleep một thời gian, bạn sẽ tự hình thành cho mình thói sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, và giờ giấc chặt chẽ để có thể duy trì Polysleep dài lâu. Đây là một ưu điểm rất lớn cho cuộc sống của bạn.

Còn những bất cập?
Dù tốt đẹp đến mấy thì thứ gì cũng có 2 mặt. Ngủ đa pha có những bất cập sau:
1. Bạn phải luôn luôn ngủ đúng giờ: Không có nghĩa là phải chính xác từng phút, chênh lệch khoảng 1 tiếng cũng không có vấn đề gì. Bạn thậm chí có thể sắp xếp để ngủ bù. Tuy nhiên, nếu bỏ chỉ 1 giấc trong ngày thì bạn sẽ nếm ngay hậu quả là mệt mỏi cả ngày, nhức đầu, mệt óc, thậm chí choáng và buồn nôn. Tuy nhiên khi ngủ càng ít (Uberman, Dymaxion) thì sự chính xác về giờ ngủ càng cao, chỉ nên chênh lệch giờ ngủ trong phạm vi 1-2 phút.

2. Rất khó thực hiện hay duy trì được ngủ đa pha, bởi thời nay vì công việc, gia đình, vợ con, vân vân và vân vân cản trở. Nếu bạn nào không có nhu cầu lập gia đình, hoặc là chuyên tâm nghiên cứu khoa học cả đời, công việc ổn định mỗi ngày thì ngủ đa pha là món quà quý cho bạn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể sắp xếp ngủ nếu bạn thực sự đam mê và có nhiều công việc, dự án cần thực hiện, rồi sau đó quay trở về ngủ bình thường nếu bạn muốn. Đây cũng là nhược điểm lớn nhất, khiến việc duy trì Polysleep gặp vô vàn khó khăn trong đời sống thường nhật.

3. Không dành cho những ai yếu về thể chất và mắc những bệnh như đau đầu, tâm thần không ổn định, hay vì một số lý do nào đó khác. Chính vì vậy số người có thể ngủ đa pha trên thế giới là không nhiều.

4. Bạn phải ăn uống điều độ, kiêng khem tiệc tùng, bia rượu, thức ăn nhanh như KFC. Những đồ ăn này chỉ khiến chất lượng giấc ngủ của bạn tồi đi do bạn sẽ khó ngủ.

Ngoài ra chưa có nhiều bằng chứng chứng minh ngủ đa pha có thêm nhược điểm nào đối với cơ thể. Đối với tôi chỉ có 3 nhược điểm trên là đáng lưu ý.

Các thành phần của một giấc ngủ
Đây cũng là một phần cực quan trọng, cần phải có hiểu biết về giấc ngủ của con người, cũng như chế độ ngủ đa pha đóng vai trò như thế nào trong các thành phần của giấc ngủ. Vậy giấc ngủ có những thành phần sau:
1. Light Sleep (ngủ chập chờn): Đây là giai đoạn đầu tiên khi chúng ta bắt đầu ngủ. Nhưng thực tế trong giai đoạn này não của chúng ta vẫn thức và chúng ta chưa ngủ say. Thực tế giai đoạn này của giấc ngủ hoàn toàn vô nghĩa, nếu trong 8 tiếng ngủ ngon thì có đến hơn 4 tiếng của giấc ngủ thuộc về Light Sleep.

2. Slow- Wave Sleep (SWS): Giai đoạn thứ 2 của giấc ngủ này khiến con người khó thức dậy hơn, tuy nhiên cũng chỉ chiếm khoảng 15% tổng thời gian ngủ. Giai đoạn này rất quan trọng với cơ thể người. Để dễ tưởng tượng hơn, các bạn có thể nghĩ đến SWS như là HP của nhân vật trong game. Khi HP xuống thấp, nhân vật vẫn có thể hoạt động với các chức năng cơ bản. Chỉ khi HP xuống 0 thì nhân vật mới không thể di chuyển hay làm gì được nữa. Do đó, thiếu SWS trong 1 thời gian dài sẽ khiến bạn ngủ bù, xuyên báo thức, không thể dậy được để cơ thể xử lý triệt để vấn nạn thiếu SWS.

3. Rapid Eye Movement (REM): Đây là giai đoạn quan trọng nhất của giấc ngủ, nhưng chỉ chiếm khoảng 25% thời gian ngủ. Trong giai đoạn này não sàng lọc ký ức, khiến các giấc mơ xuất hiện. Trong lúc này, cơ bắp của chúng ta bị tê liệt, không cử động được, ngủ say nhất, nhịp tim và hoạt động của các cơ quan nội tạng xuống thấp nhất, và sóng não cũng rất chậm. Tuy nhiên, mắt bạn lại hoạt động rất nhanh và cảm nhận được những hình ảnh để tạo thành giấc mơ. Trong giai đoạn này cơ thể bạn được phục hồi như sạc pin, cho nên khi ngủ đủ bạn sẽ cảm thấy sảng khoái khi thức dậy. Một giấc ngủ 8 tiếng cung cấp cho bạn có thể đến 3 tiếng REM, một liều lượng đủ cho cả ngày. Tương tự như SWS, bạn có thể liên tưởng đến REM như trong game. Nếu SWS là HP thì REM lại là mana, hay sức bền. Nếu bạn thiếu REM thì ngay lập tức sẽ cảm thấy đuối sức, rã rượi cả ngày hôm đó. Thiếu REM lâu dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe trầm trọng, dẫn đến các bệnh tâm thần, nhịp sinh học bị phá vỡ, ....

4. Wake (Dậy): Đây là giai đoạn cuối của giấc ngủ, là giai đoạn cơ thể chuẩn bị để con người thức dậy. Giai đoạn này chỉ chiếm khoảng 10% tổng thời gian ngủ. Cơ thể sẽ điều chỉnh khoảng 1.5 tiếng trước khi bạn thức dậy, giả định bạn ngủ 8 tiếng.

Vậy ngủ đa pha thay đổi cơ chế ngủ 8 tiếng thông thường như thế nào?
Chế độ ngủ đa pha loại trừ hoàn toàn giai đoạn ngủ chập chờn, và thay vào đó là tăng cường thời gian của giai đoạn REM và SWS. Cơ thể con người là một cỗ máy kỳ diệu, nên có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Khi ngủ ít đi, cơ thể sẽ thích nghi và lập tức đi vào giai đoạn SWS và REM (phản ứng với sự thiếu ngủ) để củng cố phục hồi cơ thể sau một ngày. Do vậy, tuy giấc ngủ đêm có thể ngắn đi rất nhiều, làm mọi người có cảm giác là thiếu ngủ, nhưng thực chất bạn vẫn ngủ đủ, chỉ có giai đoạn ngủ chập chờn bị khử hoàn toàn mới gây ra cảm giác ngủ ít và thiếu ngủ. Thực tế chỉ cần đủ REM trong 1 ngày là bạn có thể hoạt động trí não và thể chất tốt. Các giấc ngủ ngắn trong ngày, kể cả 20 phút cũng cung cấp cho bạn lượng REM đáng kể để bạn có thể hoạt động trơn tru trong vài giờ đồng hồ. Coi như đó là về sơ bộ giấc ngủ và ngủ đa pha (đó là những quan sát nên tôi ghi chép lại theo kinh nghiệm cá nhân và trích dẫn từ các nguồn, nếu có sai sót, mong bạn đọc bỏ qua).

Các hình thái ngủ đa pha
Nếu bạn ngủ từ 2 giấc trở lên trong 1 ngày, đó có thể được gọi là ngủ đa pha, tuy nhiên các kiểu ngủ đa pha đích thực là từ 3 giấc trở lên mỗi ngày. Con người thường ngủ theo kiểu Monophasic (ngủ 1 giấc dài trong ngày, còn lại không ngủ trưa hay ngủ thêm giấc nào nữa). Kiểu ngủ này là kém hiệu quả nhất, do chúng ta sẽ mệt mỏi vào tầm trưa, đầu giờ chiều. Các kiểu ngủ dưới đây được sắp xếp theo trình tự từ nhiều đến ít thời gian nhất, và điều có điểm chung là hiệu quả ăn đứt ngủ một giấc dài.

Kiểu 1: Biphasic Segmented (phân mảng):


Đây là kiểu ngủ 2 giấc trong 1 ngày, trong đó mỗi giấc kéo dài 3.5 tiếng, tổng thời gian ngủ là 7 tiếng trong 1 ngày. Thời lượng rất đủ, duy chỉ có điều mỗi giấc cách nhau 2 tiếng. 3.5 tiếng mỗi giấc là dựa trên cơ chế hoạt động của REM- sau khi ngủ được 3 tiếng, trong đúng 30 phút tiếp theo sẽ là giai đoạn REM. Vậy là chúng ta đã có thêm 30 phút toàn REM, một điều tuyệt vời phải không nào?

Kiểu 2: Biphasic Siesta 
Kiểu ngủ này lợi hơn hẳn kiểu thứ nhất. Thứ nhất là có giấc ngủ 20' vào buổi trưa, dù chỉ 20' thôi cũng giúp bạn sạc pin rất tốt để hoạt động cho cả chiều và tối. 2 giấc ngủ chính, một giấc 3 tiếng và 1 giấc 2.5 tiếng vẫn cách nhau 2 tiếng, và ngủ dậy có thể gây buồn ngủ dữ dội vì một giấc quá ngắn nên tôi cũng không chuộng kiểu này. Tôi thấy kiểu ngủ này tối ưu hơn hẳn so với Segmented. Tuy nhiên thời gian ngủ trong ngày đã được rút xuống còn 6.3 tiếng, ngắn hơn Segmented. 

Kiểu 3: Biphasic (Ngủ 2 giấc):

Đây là kiểu ngủ cũng phổ biến và dễ theo bởi tính đơn giản của nó. Bạn đơn giản chỉ cần 6 tiếng ngủ buổi đêm, và thêm 20' ngủ ban ngày, và 2 giấc cách đều nhau là ổn. Tổng thời gian ngủ là 6.3 tiếng, bằng với Siesta. Với cách ngủ này bạn vừa có thể đi ngủ sớm (chẳng hạn 11h) mà dậy sớm cũng không vấn đề (5h sáng chẳng hạn), giúp ích cho sức khỏe rất nhiều. Một giấc ngủ trưa nhỏ rất giúp ích cho bạn. Tôi đã bắt đầu từ kiểu ngủ này rồi nâng cấp lên. 

Kiểu 4: Dual Core 1 (2 giấc ngủ chính)

Bạn cứ hiểu đơn giản, Dual nghĩa là kép, Core là giấc ngủ chính, vậy là kiểu ngủ này có 2 giấc ngủ chính trong ngày và 1 giấc ngủ ngắn 20' vào buổi trưa. Giấc 3.5 tiếng theo tôi là ngắn vào buổi đêm, rất khó dậy, cho dù bạn đi ngủ vào 12h đêm. Sau đó 4 tiếng ngủ tiếp 1.5 tiếng cũng dễ khiến cho bạn ngủ sâu hơn nữa, khả năng dậy đc cũng thấp (tất nhiên luyện tập vẫn làm được). Tuy nhiên tổng thời gian giờ đã còn tương đối thấp so với giấc ngủ bình thường, với 5.3 giờ. 

Kiểu 5: Dual Core 2 

Với hình thức này, giấc chính của bạn bị cắt từ 3.5 tiếng xuống còn 2.5 tiếng, tuy nhiên bạn lại có thêm 1 giấc ngủ 20' nữa, tổng là 2 giấc ngủ ngắn trong ngày để cân bằng thời gian ngủ đêm mất đi. Nếu thành thục Dual Core 1 bạn sẽ dễ dàng thích nghi với Dual Core 2. Tổng thời gian ngủ còn 4.6 tiếng. Đến đây, bạn đã có thêm khoảng 3.4 đến 4 tiếng cho mỗi ngày rồi đấy!

Kiểu 6: Dual Core 3
Đây là giới hạn cuối cùng của Dual Core. 1.5 tiếng cho 2 giấc chính để đảm bảo bạn vẫn hoàn thành đủ 1 chu trình ngủ (sleep cycle) để có thể nạp đủ REM, SWS và thêm 1 giấc ngủ ngắn 20' trong ngày. Quan điểm của tôi là nếu ngủ dưới 1.5 tiếng cho giấc chính thì bạn sẽ dễ chịu rủi ro về sức khỏe về sau, khi thiếu REM và cũng không đủ SWS. Hơn nữa, việc có quá nhiều giấc ngủ trong ngày có thể khiến bạn mệt mỏi khi bỏ lỡ 1 giấc, và sắp xếp thời gian cho các giấc sẽ rất khó khăn. Do đó tôi không khuyến khích bạn áp dụng Dual Core 3. Tổng thời gian ngủ trong ngày chỉ còn 3.9 tiếng!

Kiểu 7: Everyman 2

Kiểu ngủ này gần tương tự như Dual Core 1 khi cũng có 3 giấc ngủ trong ngày. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Everyman so với Dual Core là Everyman chỉ có 1 giấc chính. So với Dual Core 1, Everyman 2 tiết kiệm thêm 1 tiếng ngủ, trong khi hiệu quả là tương đương. 2 giấc ngủ ngắn trong ngày cách đều nhau là rất hữu ích, giúp bạn không rơi vào trạng thái ngủ sâu đồng thời luôn tỉnh táo khi mới thức dậy. Tôi đã thực hiện phương pháp này và thấy cực kỳ hiệu quả, đầu óc luôn tỉnh táo, cơ thể luôn sẵn sàng vận động. Tuy nhiên khi mới thực hiện giấc chính thường khiến bạn buồn ngủ khi mới thức dậy. 

Kiểu 8: Everyman 3

Nối tiếp Everyman 2, chế độ ngủ này rút ngắn 1 tiếng buổi đêm, đồng thời thêm 1 giấc ngủ 20' vào sáng sớm. Cá nhân tôi thấy Dual Core 2 tốt hơn Everyman 3 vì Everyman 3, như lịch trên có giấc ngủ tầm 2 giờ chiều có thể không phù hợp với nhiều bạn, nhưng phù hợp với tôi. Về mặt hiệu quả là tương đương, nhưng Dual Core dễ thực hiện hơn do 2 giấc chính thường được các bạn đảm bảo ở nhà. Tổng thời gian ngủ trong ngày chỉ còn 4.5 tiếng, cũng xấp xỉ Dual Core 2. 

Kiểu 9: Everyman 4
Nối tiếp Everyman 3, nếu bạn có nhu cầu ngủ ít hơn nữa thì có thể tiến tới Everyman 4. Tuy nhiên so với Dual Core 3 thì Everyman vẫn giúp bạn ngủ ít hơn, chỉ với 3.3 giờ một ngày (hơn Dual Core 3 là 0.6 giờ!) nhưng giấc ngủ ngắn tầm 10 rưỡi sáng, và 2 giờ chiều rất khó thực hiện. Tuy nhiên, thời gian biểu ở trên chỉ do tôi tự nghĩ ra, còn bạn có thể sắp xếp sao cho phù hợp, dù các giấc không còn cách đều nhau nữa. 

Với 9 kiểu ngủ ở trên như tôi đã trình bày, nếu đạt đến Everyman 4 và Dual Core 3, bạn đã có cực nhiều thời gian trong ngày. Tuy nhiên, nếu bạn tưởng rằng con người không thể ngủ dưới 3 tiếng một ngày, thì bạn đã lầm to rồi nhé. Còn 2 kiểu ngủ nữa, là vũ khí bí mật của con người, cho phép chúng ta chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày! 

Kiểu 10: Uberman (người siêu việt)
Nhìn quả là kinh dị, phải không các bạn? Có vẻ như cách ngủ này chỉ dành cho các thiên tài với bộ não đặc biệt mới ngủ nổi. Với cách này, không còn giấc chính và giấc phụ nữa, tất cả các giấc ngủ ngắn đều trở thành các giấc chính. Bạn chỉ ngủ 20 phút cách nhau khoảng 4 giờ đồng hồ, và như vậy mỗi ngày bạn ngủ 6 lần và tổng thời gian ngủ chỉ là 2 tiếng một ngày. Giấc ngủ đêm dài của bạn tiêu tan hoàn thành và chỉ còn đúng 20 phút. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khó khăn nhất. Điều khó nhất chính là việc bạn phải ngủ đủ cả 6 giấc, và sẽ có ít nhất là 2 giấc dễ trùng vào giờ đi làm hay đi học của bạn. Cộng với việc thích nghi với Uberman ngoài việc đòi hỏi nỗ lực phi thường, còn cần động lực cực lớn mới giúp bạn thành công với phương pháp ngủ này. Trong lịch sử, Leonardo Da Vinci chính là người đã ngủ theo phương pháp Uberman nhưng là phiên bản cải tiến- nghĩa là thay vì mỗi giấc 20 phút ông chỉ chợp mắt 15 phút. Hơn hết, để duy trì Uberman bạn còn cần phải tập thể dục, thể thao và ăn kiêng nghiêm ngặt mới có đủ sức đề kháng. Tuy nhiên nếu bạn tập thể hình thì tuyệt đối không được ngủ đa pha, chứ không chỉ có Uberman!

Kiểu 11: Dymaxion
Cũng là một phiên bản quái dị của chế độ ngủ 2 tiếng, nhưng Dymaxion vẫn còn đỡ hơn nhiều so với Uberman. Giờ bạn chỉ ngủ 4 giấc mỗi ngày, nhưng mỗi giấc kéo dài 30 phút. Đổi lại, bạn cũng phải mất đến 5 tiếng 40 phút mới được ngủ giấc tiếp theo. Điểm đặc biệt là Dymaxion dễ thực hiện hơn nhiều so với Uberman, bởi vì khi bạn ngủ thì cũng thường vào lúc rỗi rãi, nghỉ học, hay tạm nghỉ làm. Chẳng hạn, bạn có thể ngủ giấc 1 từ 12 giờ đêm, giấc 2 là 6 giờ sáng, giấc 3 là 12 giờ chiều và giấc 4 là 6 giờ tối. Tuy nhiên, Dymaxion chỉ dễ thực hiện hơn so với Uberman, còn nhìn chung vẫn rất khó khăn! Thứ nhất là bạn phải thức đêm rất nhiều, rất dễ nổi mụn, đau dạ dày, mắt quầng, đói bụng cực kỳ, có thể ảnh hưởng đến người trong gia đình bạn, và còn một số những phiền toái khác. Tiếp đến là bạn phải ăn uống kiêng khem, đủ chất và tập luyện thể lực (nhưng là các môn không quá mạnh, như chạy bộ) như Uberman mới có đủ sức khỏe. Cuối cùng là bạn có khả năng phải thay đổi giấc ngủ, dẫn đến trái giờ và sẽ phải mất nhiều thời gian mới thích nghi được. Chế độ ngủ này chỉ dành cho những nhà khoa học, hay những ai có "nhiều việc đến mức làm không xuể". Người thường nếu cố sẽ gặp muôn vàn khó khăn, và sẽ dễ bỏ cuộc nếu động lực không đủ lớn cũng như thể trạng không trụ được việc ngủ siêu ít kéo dài trong nhiều thời gian.

Vậy, tôi đã trình bày xong đủ 11 kiểu ngủ khác nhau để các bạn tha hồ lựa chọn nhé. Vậy kiểu ngủ nào tốt nhất? Và chúng ta nên ngủ theo kiểu nào là an toàn nhất? Tôi sẽ trả lời những thắc mắc đó ngay dưới đây.

Người thường chúng ta chỉ nên dừng ở Dual Core và Everyman, còn cấp độ nào là tùy bạn. Lý do là bởi vì 2 chế độ này có thể linh hoạt, có thể thay đổi thời gian ngủ của một giấc nào đó (lâu lâu 1 lần) còn Dymaxion và Uberman thì không những không được bỏ giấc nào mà còn phải gắn chặt theo lịch ngủ nữa. Chỉ cần đến giờ mà bạn không ngủ là bạn sẽ thấy cơ thể biểu tình ngay lập tức. 

Dual Core: Vì chế độ ngủ này cho bạn 2 giấc chính, và thêm 1 hay nhiều hơn 1 giấc phụ, bạn có thể bỏ 1 giấc phụ nếu quá bận rộn (tuy nhiên đừng làm thường xuyên!) vào buổi trưa hay đầu giờ chiều mà không bị ảnh hưởng nhiều, do toàn bộ thời gian chủ yếu là của 2 giấc chính rồi. Thời gian cũng rất linh hoạt, bạn có thể ngủ bù, hay điều chỉnh ngủ sớm lên so với kế hoạch. Giấc chính thứ 2 cũng cho bạn thêm một lượng SWS nào đó để phục hồi. Khi so sánh với chế độ Everyman tương ứng thì Dual Core luôn tốt hơn, vì có 2 giấc ngủ chính, dù có ngắn đi nữa, chẳng hạn Dual Core 3 vẫn có 2 giấc chính, mỗi giấc 1.5 tiếng, tổng là 3 tiếng ngủ, trong khi cùng cấp độ, thì Everyman 4 chỉ có 2 tiếng ngủ, và đó chỉ là 1 giấc. Nhược điểm của Dual Core, ví dụ Dual Core 1, đó là bạn vẫn phải ngủ đến 5.5 tiếng mỗi ngày, vì vậy mất thời gian có thể chưa phải là tối ưu nhất với bạn. 

Everyman: Chế độ này phù hợp với bạn nhất nếu bạn là người có chu kỳ ngủ ít. Nghĩa là chẳng hạn giấc chính của bạn là 1.5 tiếng, nhưng ngủ dậy bạn thấy mệt mỏi vô cùng, cảm thấy buồn ngủ vô bờ bến, nghĩa là bạn cần ngủ nhiều hơn 1.5 tiếng. Khi đó Dual Core 1 lại thích hợp cho bạn hơn Everyman. Và ngược lại, nếu bạn ngủ 1.5 tiếng dậy tỉnh táo, sảng khoái, thì Everyman là lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, so với Dual Core thì Everyman cho bạn nhiều thời gian hơn trong 1 ngày, nên nếu bạn cần nhiều thời gian để học, làm việc,... Everyman cũng là phương án tốt hơn Dual Core. Nhưng nhược điểm của Everyman lại là vì chỉ có 1 giấc chính nên bạn chỉ có 1 giấc để phục hồi SWS còn lại các giấc ngắn là không đáng kể. Bạn cần phải chú ý ngủ giấc chính thật sâu mới đảm bảo sức khỏe. Các giấc ngắn 20 phút trong ngày bạn cũng KHÔNG ĐƯỢC bỏ một giấc nào (bỏ là sẽ mệt cả ngày hôm đó), nhưng có thể xê dịch thời gian cho thích hợp với hoạt động trong ngày.

Đã xác định được chế độ ngủ phù hợp, vậy bước tiếp theo là lên kế hoạch cho hàng ngày. Nên nhớ lúc mới bắt đầu thay đổi chế độ ngủ bạn vẫn đang quen với chế độ ngủ 7-8 tiếng một đêm, và đó là giấc duy nhất. Có 2 cách để bạn thực hiện chế độ ngủ đa pha:
Cách 1: Bạn chọn luôn phương pháp ngủ theo ý muốn, chẳng hạn Everyman 2 hay 3. Theo đó, bạn hãy không ngủ trong vòng 1 ngày, sau đó đặt giờ dậy theo đúng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn không nên làm theo cách này, vì cơ thể bạn sẽ cực mệt mỏi trong một thời gian dài cho đến khi bạn thích nghi (gọi là giai đoạn chuyển tiếp) dễ bỏ cuộc. Tuy nhiên nếu bạn có sức khỏe dẻo dai như các chiến sĩ thì bạn vẫn có thể làm được, tiết kiệm thời gian chuyển tiếp. 

Cách 2: Đây là cách tôi đang thực hiện, và vẫn còn đang thực hiện tính đến thời điểm này (19 ngày). Theo đó, mỗi ngày bạn rút ngắn giấc chính xuống 1 hay 2 tiếng là tùy bạn, duy trì một thời gian, sau đó lại rút ngắn xuống nữa và thêm các giấc ngủ ngắn trong ngày (Everyman) hoặc cắt đôi giấc ngủ chính thành 2 giấc ngủ chính nhỏ hơn (Dual Core). Cách này bất cập là thời gian chuyển tiếp đến cách ngủ bạn muốn có thể rất lâu, tùy theo thể trạng của bạn mạnh mẽ đến đâu. Tuy nhiên, bạn cần rèn tính kiên nhẫn, rồi thành quả sẽ ngọt ngào. Tuy nhiên, ưu điểm của nó chính là việc cơ thể bạn có thời gian thích nghi nên kể cả trong giai đoạn chuyển tiếp bạn cũng không quá mệt mỏi mà vẫn có thể hoạt động làm việc. 

Đây là cách tiếp cận của tôi cho đến giai đoạn hiện tại (Everyman 2):
8 ngày đầu chuyển từ Monophasic (1 giấc dài trong cả ngày) sang Biphasic (ngủ 2 giấc, trong đó đêm từ 11h đến 5h, và trưa ngủ từ 1h hoặc 2h đến 1 rưỡi hoặc 2 rưỡi). 4 ngày tiếp theo, rút ngắn giấc chính xuống còn 5 tiếng rưỡi, và buổi trưa vẫn ngủ 30 phút. 4 ngày tiếp theo, rút giấc chính xuống còn 5 tiếng, và thêm 1 giấc ngủ ngắn nữa, nhưng giảm các giấc ngủ ngắn xuống còn 20 phút. Và từ đó đến nay thì ngủ đêm chỉ còn 4 tiếng rưỡi, và 2 giấc ngủ ngắn là 20 phút cố định và đây chính là Everyman 2. 

Xin nhắc lại lần nữa, ngủ đa pha CHỐNG CHỈ ĐỊNH cho những trường hợp sau:
1. Người có thể chất yếu, hay ốm, mệt.
2. Người có vấn đề về tâm lý, sinh lý, tâm thần. 
3. Người dưới 20 tuổi (cơ thể chưa phát triển toàn diện)
4. Người đang ôn thi (cơ thể không kịp quen với ngủ đa pha, đến lúc thi tâm thần rối bời, mất cả chì lẫn chài, thành dã tràng xe cát)
5. Người tập thể hình (Ngủ đa pha là quá ít dẫn đến teo cơ)

Và cuộc chiến của tôi từ chế độ ngủ 1 pha sang Everyman 2 rất gay cấn và kịch tính, mời các bạn đón đọc tiếp ở các phần sau! 

Nguồn của ảnh: Google Images 
Nguồn của 1 số thông tin: VozForum, Quyết Tâm Mạnh và Blog của Nguyễn Viết Vũ, PolyphasicSociety.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kiểm tra comment này kỹ vào