Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Ngày Thứ Hai Tác Chiến

Một buổi tối yên bình. Những khoảng lặng rì rào. Biển suy nghĩ bao la. Những vũ điệu cuồng say dạt dào của những con tính. Một buổi tối nhiều việc được hoàn thành. Quỹ thời gian được bành trướng lãnh thổ. Ngoảnh đi ngoảnh lại mới có 5 phút đồng hồ trôi qua. Tôi mơ màng suy ngẫm, mường tượng về những thành quả sắp đạt được. Cứ nghĩ đến những điều đó, tôi lại trở nên tỉnh ngủ khác thường. Tâm trí bồng bềnh trôi trên mây, cảm giác lên đỉnh hiện rõ mồn một...

Mười giờ bốn lăm đã điểm. Đánh răng, rồi lặng lẽ leo lên giường, cơn buồn ngủ bám đuổi tôi. Tôi đặt báo thức 5 giờ sáng, và không quên cài đặt điện thoại ở chế độ máy bay và kiểm tra giờ giấc cho thật chuẩn xác. Đêm nay, chẳng khó khăn gì tôi đã chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Tôi cũng không gặp cơn ác mộng nào, và không thức dậy giữa đêm một lần nào. Cứ như vậy, tôi giấc luôn đến khi tiếng báo thức kêu inh ỏi lại cất lên như đêm trước đó. Và ngay lập tức, lúc với tay xuống đất tắt báo thức cũng là lúc tôi cảm thấy tỉnh táo trở ra, không một chút buồn ngủ. Bên ngoài tuyết rơi và trời vẫn còn tối, bóng đêm bao phủ dày đặc. Để tránh buồn ngủ tôi lập tức bật đèn phòng và uống một cốc nước lọc. Nước vốn lạnh, nhưng tôi không bận tâm. Ánh sáng chói chang trong phòng khiến mắt tôi hơi mỏi chút, nhưng thực như tôi vừa được ăn tát nảy đom đóm mắt. Vươn vai một cách sảng khoái, tôi tiếp tục công việc học bài, rồi chuẩn bị bữa sáng lúc 7 rưỡi. Phải ăn 1 bữa thực to để sáng cảm thấy sung sức mà gồng gánh kiến thức. Tôi cũng nghe những bản nhạc bốc lửa và hăng máu để làm tinh thần hưng phấn. Đó là những cách tôi vẫn làm để tỉnh ngủ trong thời gian ngắn nhất. 

Giấc trưa của tôi cũng đến rất nhanh, và tôi cũng ngủ không chút khó khăn. Tôi đặt báo thức dư ra 5-10 phút để có thể ngủ trọn 30 phút. Vốn sáng dậy sớm nên giấc trưa của tôi cũng chỉ đến sau vài ba phút nằm xuống. Nửa tiếng sau, tôi dậy trong trạng thái tương đối buồn ngủ. Có lẽ cơ thể chưa quen với giấc ngắn này nên biểu tình đòi thêm đây mà. Nhưng sự buồn ngủ không kéo dài lâu. Chỉ nửa tiếng sau, tôi cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Đầu óc trống rỗng, thông suốt. Tôi mừng rỡ vô cùng. Sự vui mừng đến đúng lúc khi tôi bắt đầu đeo tai nghe và học bài. Ngày thứ 2 trôi qua thật hiệu quả. Tôi đã có sự khởi đầu như mơ, cắt đến 1.5 giờ ngủ mỗi ngày mà vẫn rất năng suất, học tập với cường độ cao vẫn không thấy mệt. Tôi đã duy trì thêm Biphasic đến 6 ngày nữa cho cơ thể thực quen. Và trong lúc này tôi cũng dần cân nhắc đến Dual Core và Everyman. 

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Ngày Thử Nghiệm Đầu Tiên

Thứ 5, ngày 7 tháng 1, 2016

Chào mừng đến với Biphasic! Háo hức pha chút căng thẳng, hồi hộp xen lẫn thư thái, và bình tĩnh hòa quện với chút vội vã, tôi đã nếm trải đầy đủ các cung bậc cảm xúc trong buổi tối hôm đó. Lặng lẽ mở laptop ra chơi vài game online, đến 10 giờ tối mà tôi cảm giác thời gian dài vô tận. Sau khi đã sắp xếp xong xuôi đồ ăn cho ngày hôm sau, để tránh rủi ro khó ngủ 10 rưỡi tối tôi đã bò lên giường nằm. Cố gắng điều hòa chơ nhịp thở nhẹ nhàng hơn, tôi nhắm nghiền đôi mắt, thả lỏng cho tâm can trôi vào chốn hư không. Hít vào, thở ra đều đặn, từng nhịp một, ngực phồng lên, xẹp xuống, chân tay thả lỏng hết cỡ, và não chỉ tập trung vào hơi thở là thứ duy nhất, nhưng dường như những điều này đối với tôi là không có tác dụng. Trái khoáy hơn, tim tôi lại đập tương đối nhanh, và não ngay lập tức theo phản xạ là tràn ngập đủ thứ chuyện, những là chuyện tương lai, chuyện ngày hôm nay, chuyện học, và thậm chí cả chuyện về ngủ! Tôi chợt nhớ ra rằng giờ này đâu phải nhịp sinh học thường thấy của bản thân- 4 hay 5 giờ sáng kia mà!

Lăn bên này, lộn bên kia, người tôi xoay hết các bên mà không sao bắt đầu ngủ được. Tôi bỗng cảm thấy khốn đốn một cách bất ngờ. Đồng hồ đã điểm 10 giờ 55 phút. Tôi lập tức nghĩ nếu lo lắng thì cũng chẳng có tác dụng gì mà sẽ càng không thể ngủ nổi, phải tìm cách, phải tìm cách, cách nào nhỉ, phải có cách nào đó... Đếm cừu không ăn thua, đếm đến 60 là lại thành mớ hổ lốn. Trong căn phòng tối tăm không có lấy một chút ánh sáng le lói nào, điều kiện lý tưởng này lại không thể giúp tôi được ngay. Ngày hôm đó tôi có chút tiến bộ, 11 giờ sáng đã lết ra được khỏi giường để bắt đầu ngày mới. Chết cha, ăn ở bê bối như thế làm sao khá được. Ngay tại đây, ngay giờ khắc này, nhất định phải tập trung toàn lực vào giấc ngủ này. Đó là sứ mệnh thiêng liêng, Đó là nhiệm vụ hoàn hảo cần phải thực thi. Đó là một thách thức cho tinh thần.

Nhưng rồi bỗng dưng tôi ngủ lúc nào không hay... Đời vốn lắm sự khó hiểu và bí hiểm nữa. Có thể lúc đó tôi đã quá mệt mỏi chăng? Hay là có phép màu nào đó đã giúp tôi? Với tâm tính đa nghi mạnh mẽ, tôi không tin là có phép màu. Chỉ nhớ mang máng rằng tôi nằm im như một con gián, và mọi thứ hòa nhập thành một, và lặng lẽ từng bước tôi bước vào thinh không. Một quang cảnh tĩnh mịch, chỉ bao trùm với bóng tối, không có tiếng động, không có người sống. Tôi cứ tiến bước, từng bước một, chậm mà chắc.. Tôi ngủ thiếp đi,... và bắt đầu mơ. Giấc mơ vốn rất nhâp nhằng, không có các hình tượng ma quỷ hù dọa như nhiều lúc trước, mà mọi sự kiện đều đan xen vào nhau, tạo nên một mớ bòng bong rối rắm ngoài sức tưởng tượng.... Và khi tôi bắt đầu mó đến một điểm sáng, thì mọi thứ trở nên bừng sáng rực rỡ.

Báo thức kêu inh ỏi, kêu chói tai- đó là đoạn nhạc trong một bài hát, có thể không nhiều người biết, nhưng đủ khiến con tim bạn xao xuyến và rực cháy khi lắng nghe thưởng thức. Bài hát có tên là Một Cây Làm Chẳng Lên Non, Ba Cây Chụm Lại Nên Hòn Núi Cao. Nghe có vẻ không tưởng, như là một thể loại cải lương gì gì đó? Nếu bạn nghĩ vậy, bạn đã nhầm lớn. Bài này có nguồn gốc từ tiếng Anh, tên là United We Stand, Divided We Fall. Tác giả? Đó là một thương hiệu nổi tiếng Two Steps From Hell (Hai Bước Chân Từ Địa Ngục). Nhạc không lời. Chính xác, tôi rất thích nhạc không lời. Tuy nhiên giai điệu hùng tráng như bước chân của những binh sĩ vì đất nước quên mình. Đúng 5 giờ sáng. Tôi với tay xuống sàn tắt báo thức với một tâm trạng hết sức thoải mái. Ôi chao, thật là sảng khoái ngoài sức tưởng tượng. Tôi bật dậy mà trong lòng thoáng đãng, không có chút vương vấn nào của cái sự mệt mỏi từ ngày hôm qua. Tôi ngủ lúc mấy giờ nhỉ? 11 giờ 15 phút hay 11 giờ rưỡi? Tôi cũng chẳng nhớ nữa. Nói chung chưa đạt chỉ tiêu của giấc Biphasic, 6 tiếng ngủ đêm. Nhưng không sao, không thành vấn đề to tát gì. Cả sáng hôm đó tôi như ở trong trạng thái lò xo, sẵn sàng bật tung lên, hòa vào những vũ điệu thánh thót của buổi sớm mai. 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối nhưng với tôi trời như thể đã sáng lâu lắm rồi. Tận hưởng khoảng không tĩnh lặng đến tẻ nhạt, tôi bắt tay vào học bài. Mở cuốn sách giáo khoa Hóa hữu cơ, tôi cặm cụi đọc và ghi chép những phản ứng và các cơ chế. Viết đi viết lại, cuối cùng tôi cũng nắm được bản chất của chúng rất rõ ràng minh bạch. Một buổi sáng năng suất.

Vẫn đang trong kỳ nghỉ nên tôi vẫn ở trong trạng thái giải trí thư giãn. Suy cho cùng thì kỳ học mới còn 2 ngày mới bắt đầu, nên học hoài cũng chán. Vơ vẩn một lúc rồi cũng đến 1 giờ chiều. Như chợt nhớ ra là lúc này phải ngủ, tôi lại leo lên giường. Tuy nhiên, giấc ngủ này chỉ có 30 phút. 30 phút? Khó khăn nhỉ, từ trước đến nay nếu tôi mà có ngủ trưa thì phải 1.5 hay thậm chí 2 tiếng. Ngủ rũ ra đấy, không thể dậy nổi. Giờ còn 30 phút quả là một thách thức đấy chứ? Tuy nhiên, không nghĩ ngợi lâu la, tôi nằm xuống, chùm trăn, và đặt báo thức đúng 30 phút. Và quả thật kiểu ngủ này không phụ lòng tôi. Vì dậy từ 5 giờ sáng nên tôi bỗng buồn ngủ một cách nhanh chóng. Và hình như chỉ sau có 2 phút tôi đã ngủ say như một khúc gỗ. Và khi báo thức kêu đúng nửa tiếng, tôi dậy mà trong lòng bỗng rối bời. Tôi bỗng cảm thấy thiếu ngủ rõ rệt. Tôi cứ ngồi thừ ra trên giường, nhìn vào khoảng không trước mặt mà mắt ti hí nhìn không chớp. Chân tay bỗng nặng như đeo chì. Nhưng rồi cuối cùng, sau khoảng 40 phút gì đó, tôi cũng ra được khỏi giường. Cảm giác thiếu ngủ đeo bám tôi suốt đến khoảng 6 giờ tối. Đến lúc đó tôi mới cảm thấy trong lòng an lạc, thư thái vô bờ. Trạng thái lò xo từ buổi sáng sớm lại được kích hoạt, và tôi lại cảm thấy đói. Thưởng thức một bộ phim hành động, và ăn cơm tối, tôi thấy ngon miệng. Và trạng thái hưng phấn đó vẫn còn kéo dài...

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Nhận Thức Chế Độ Ngủ Đa Pha

       Ngủ đa pha (Polyphasic Sleep) hiểu đơn giản nhất là ngủ nhiều giấc trong 1 ngày. Tuy nhiên, đây thường là các giấc ngủ ngắn, mỗi giấc ngủ có thời lượng tương đối ngắn (vài tiếng đồng hồ) đến cực ngắn (20 phút). Tổng thời gian ngủ trong một ngày ít đến kinh ngạc, có thể xuống đến 2 tiếng và tất nhiên chất lượng giấc ngủ được đảm bảo. Đó là khái niệm cần biết ban đầu. Đến nay tôi vẫn ghi lại phần này, bởi vì nó như nhắc nhở tôi về con đường mà tôi đã chọn.

Vậy ngủ đa pha có những lợi thế nào?
1. Như trên đã nói, bạn sẽ có cảm giác thời gian trong 1 ngày là vô tận. Có những người chỉ ước họ có nhiều thời gian hơn để hoàn thành một mục tiêu nào đó, thì đây, chính Polyphasic Sleep đã giúp bạn rồi. Có nhiều thời gian hơn vẫn là một lợi thế rất đáng trân trọng.

2. Thời gian nhiều lên, bạn cũng có rất nhiều cơ hội làm được những điều bạn mong muốn mà từ trước không thể thực hiện được. Chỉ cần làm vài con tính, mỗi ngày ngủ ít đi vài tiếng, là bạn có thể dư ra tới 20 năm so với những người bình thường khác. Ví dụ, nếu bạn ngủ Uberman (2 tiếng 1 ngày), và tính trung bình con người ngủ 8 tiếng 1 ngày, thì nghĩa là 1 năm của bạn dài bằng 4 năm của người thường. Và như vậy, chỉ cần 5 năm trong cuộc đời ngủ Uberman, bạn đã có dư ra thêm 20 năm! Cuộc sống của bạn dài ra, tạo điều kiện để bạn trải nghiệm được nhiều hơn, dày dạn phong trần hơn và luôn luôn sẵn sàng cho bất cứ công việc gì.

3. Đầu óc tỉnh táo minh mẫn (khi quen), do thức nhiều hơn nên bạn sẽ muốn bồi bổ, và tập luyện cũng dễ dàng hơn nên nói chung tinh thần và thể chất của bạn sẽ khỏe hơn rất nhiều so với những người ngủ bình thường. Cảm giác lúc nào cũng như bạn vừa ngủ dậy, rất sảng khoái. Vấn đề sức khỏe là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, và bạn có thể yên tâm rồi đấy!

4. Lối sống có kỷ luật lành mạnh. Khi đã theo được PolySleep một thời gian, bạn sẽ tự hình thành cho mình thói sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, và giờ giấc chặt chẽ để có thể duy trì Polysleep dài lâu. Đây là một ưu điểm rất lớn cho cuộc sống của bạn.

Còn những bất cập?
Dù tốt đẹp đến mấy thì thứ gì cũng có 2 mặt. Ngủ đa pha có những bất cập sau:
1. Bạn phải luôn luôn ngủ đúng giờ: Không có nghĩa là phải chính xác từng phút, chênh lệch khoảng 1 tiếng cũng không có vấn đề gì. Bạn thậm chí có thể sắp xếp để ngủ bù. Tuy nhiên, nếu bỏ chỉ 1 giấc trong ngày thì bạn sẽ nếm ngay hậu quả là mệt mỏi cả ngày, nhức đầu, mệt óc, thậm chí choáng và buồn nôn. Tuy nhiên khi ngủ càng ít (Uberman, Dymaxion) thì sự chính xác về giờ ngủ càng cao, chỉ nên chênh lệch giờ ngủ trong phạm vi 1-2 phút.

2. Rất khó thực hiện hay duy trì được ngủ đa pha, bởi thời nay vì công việc, gia đình, vợ con, vân vân và vân vân cản trở. Nếu bạn nào không có nhu cầu lập gia đình, hoặc là chuyên tâm nghiên cứu khoa học cả đời, công việc ổn định mỗi ngày thì ngủ đa pha là món quà quý cho bạn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể sắp xếp ngủ nếu bạn thực sự đam mê và có nhiều công việc, dự án cần thực hiện, rồi sau đó quay trở về ngủ bình thường nếu bạn muốn. Đây cũng là nhược điểm lớn nhất, khiến việc duy trì Polysleep gặp vô vàn khó khăn trong đời sống thường nhật.

3. Không dành cho những ai yếu về thể chất và mắc những bệnh như đau đầu, tâm thần không ổn định, hay vì một số lý do nào đó khác. Chính vì vậy số người có thể ngủ đa pha trên thế giới là không nhiều.

4. Bạn phải ăn uống điều độ, kiêng khem tiệc tùng, bia rượu, thức ăn nhanh như KFC. Những đồ ăn này chỉ khiến chất lượng giấc ngủ của bạn tồi đi do bạn sẽ khó ngủ.

Ngoài ra chưa có nhiều bằng chứng chứng minh ngủ đa pha có thêm nhược điểm nào đối với cơ thể. Đối với tôi chỉ có 3 nhược điểm trên là đáng lưu ý.

Các thành phần của một giấc ngủ
Đây cũng là một phần cực quan trọng, cần phải có hiểu biết về giấc ngủ của con người, cũng như chế độ ngủ đa pha đóng vai trò như thế nào trong các thành phần của giấc ngủ. Vậy giấc ngủ có những thành phần sau:
1. Light Sleep (ngủ chập chờn): Đây là giai đoạn đầu tiên khi chúng ta bắt đầu ngủ. Nhưng thực tế trong giai đoạn này não của chúng ta vẫn thức và chúng ta chưa ngủ say. Thực tế giai đoạn này của giấc ngủ hoàn toàn vô nghĩa, nếu trong 8 tiếng ngủ ngon thì có đến hơn 4 tiếng của giấc ngủ thuộc về Light Sleep.

2. Slow- Wave Sleep (SWS): Giai đoạn thứ 2 của giấc ngủ này khiến con người khó thức dậy hơn, tuy nhiên cũng chỉ chiếm khoảng 15% tổng thời gian ngủ. Giai đoạn này rất quan trọng với cơ thể người. Để dễ tưởng tượng hơn, các bạn có thể nghĩ đến SWS như là HP của nhân vật trong game. Khi HP xuống thấp, nhân vật vẫn có thể hoạt động với các chức năng cơ bản. Chỉ khi HP xuống 0 thì nhân vật mới không thể di chuyển hay làm gì được nữa. Do đó, thiếu SWS trong 1 thời gian dài sẽ khiến bạn ngủ bù, xuyên báo thức, không thể dậy được để cơ thể xử lý triệt để vấn nạn thiếu SWS.

3. Rapid Eye Movement (REM): Đây là giai đoạn quan trọng nhất của giấc ngủ, nhưng chỉ chiếm khoảng 25% thời gian ngủ. Trong giai đoạn này não sàng lọc ký ức, khiến các giấc mơ xuất hiện. Trong lúc này, cơ bắp của chúng ta bị tê liệt, không cử động được, ngủ say nhất, nhịp tim và hoạt động của các cơ quan nội tạng xuống thấp nhất, và sóng não cũng rất chậm. Tuy nhiên, mắt bạn lại hoạt động rất nhanh và cảm nhận được những hình ảnh để tạo thành giấc mơ. Trong giai đoạn này cơ thể bạn được phục hồi như sạc pin, cho nên khi ngủ đủ bạn sẽ cảm thấy sảng khoái khi thức dậy. Một giấc ngủ 8 tiếng cung cấp cho bạn có thể đến 3 tiếng REM, một liều lượng đủ cho cả ngày. Tương tự như SWS, bạn có thể liên tưởng đến REM như trong game. Nếu SWS là HP thì REM lại là mana, hay sức bền. Nếu bạn thiếu REM thì ngay lập tức sẽ cảm thấy đuối sức, rã rượi cả ngày hôm đó. Thiếu REM lâu dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe trầm trọng, dẫn đến các bệnh tâm thần, nhịp sinh học bị phá vỡ, ....

4. Wake (Dậy): Đây là giai đoạn cuối của giấc ngủ, là giai đoạn cơ thể chuẩn bị để con người thức dậy. Giai đoạn này chỉ chiếm khoảng 10% tổng thời gian ngủ. Cơ thể sẽ điều chỉnh khoảng 1.5 tiếng trước khi bạn thức dậy, giả định bạn ngủ 8 tiếng.

Vậy ngủ đa pha thay đổi cơ chế ngủ 8 tiếng thông thường như thế nào?
Chế độ ngủ đa pha loại trừ hoàn toàn giai đoạn ngủ chập chờn, và thay vào đó là tăng cường thời gian của giai đoạn REM và SWS. Cơ thể con người là một cỗ máy kỳ diệu, nên có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Khi ngủ ít đi, cơ thể sẽ thích nghi và lập tức đi vào giai đoạn SWS và REM (phản ứng với sự thiếu ngủ) để củng cố phục hồi cơ thể sau một ngày. Do vậy, tuy giấc ngủ đêm có thể ngắn đi rất nhiều, làm mọi người có cảm giác là thiếu ngủ, nhưng thực chất bạn vẫn ngủ đủ, chỉ có giai đoạn ngủ chập chờn bị khử hoàn toàn mới gây ra cảm giác ngủ ít và thiếu ngủ. Thực tế chỉ cần đủ REM trong 1 ngày là bạn có thể hoạt động trí não và thể chất tốt. Các giấc ngủ ngắn trong ngày, kể cả 20 phút cũng cung cấp cho bạn lượng REM đáng kể để bạn có thể hoạt động trơn tru trong vài giờ đồng hồ. Coi như đó là về sơ bộ giấc ngủ và ngủ đa pha (đó là những quan sát nên tôi ghi chép lại theo kinh nghiệm cá nhân và trích dẫn từ các nguồn, nếu có sai sót, mong bạn đọc bỏ qua).

Các hình thái ngủ đa pha
Nếu bạn ngủ từ 2 giấc trở lên trong 1 ngày, đó có thể được gọi là ngủ đa pha, tuy nhiên các kiểu ngủ đa pha đích thực là từ 3 giấc trở lên mỗi ngày. Con người thường ngủ theo kiểu Monophasic (ngủ 1 giấc dài trong ngày, còn lại không ngủ trưa hay ngủ thêm giấc nào nữa). Kiểu ngủ này là kém hiệu quả nhất, do chúng ta sẽ mệt mỏi vào tầm trưa, đầu giờ chiều. Các kiểu ngủ dưới đây được sắp xếp theo trình tự từ nhiều đến ít thời gian nhất, và điều có điểm chung là hiệu quả ăn đứt ngủ một giấc dài.

Kiểu 1: Biphasic Segmented (phân mảng):


Đây là kiểu ngủ 2 giấc trong 1 ngày, trong đó mỗi giấc kéo dài 3.5 tiếng, tổng thời gian ngủ là 7 tiếng trong 1 ngày. Thời lượng rất đủ, duy chỉ có điều mỗi giấc cách nhau 2 tiếng. 3.5 tiếng mỗi giấc là dựa trên cơ chế hoạt động của REM- sau khi ngủ được 3 tiếng, trong đúng 30 phút tiếp theo sẽ là giai đoạn REM. Vậy là chúng ta đã có thêm 30 phút toàn REM, một điều tuyệt vời phải không nào?

Kiểu 2: Biphasic Siesta 
Kiểu ngủ này lợi hơn hẳn kiểu thứ nhất. Thứ nhất là có giấc ngủ 20' vào buổi trưa, dù chỉ 20' thôi cũng giúp bạn sạc pin rất tốt để hoạt động cho cả chiều và tối. 2 giấc ngủ chính, một giấc 3 tiếng và 1 giấc 2.5 tiếng vẫn cách nhau 2 tiếng, và ngủ dậy có thể gây buồn ngủ dữ dội vì một giấc quá ngắn nên tôi cũng không chuộng kiểu này. Tôi thấy kiểu ngủ này tối ưu hơn hẳn so với Segmented. Tuy nhiên thời gian ngủ trong ngày đã được rút xuống còn 6.3 tiếng, ngắn hơn Segmented. 

Kiểu 3: Biphasic (Ngủ 2 giấc):

Đây là kiểu ngủ cũng phổ biến và dễ theo bởi tính đơn giản của nó. Bạn đơn giản chỉ cần 6 tiếng ngủ buổi đêm, và thêm 20' ngủ ban ngày, và 2 giấc cách đều nhau là ổn. Tổng thời gian ngủ là 6.3 tiếng, bằng với Siesta. Với cách ngủ này bạn vừa có thể đi ngủ sớm (chẳng hạn 11h) mà dậy sớm cũng không vấn đề (5h sáng chẳng hạn), giúp ích cho sức khỏe rất nhiều. Một giấc ngủ trưa nhỏ rất giúp ích cho bạn. Tôi đã bắt đầu từ kiểu ngủ này rồi nâng cấp lên. 

Kiểu 4: Dual Core 1 (2 giấc ngủ chính)

Bạn cứ hiểu đơn giản, Dual nghĩa là kép, Core là giấc ngủ chính, vậy là kiểu ngủ này có 2 giấc ngủ chính trong ngày và 1 giấc ngủ ngắn 20' vào buổi trưa. Giấc 3.5 tiếng theo tôi là ngắn vào buổi đêm, rất khó dậy, cho dù bạn đi ngủ vào 12h đêm. Sau đó 4 tiếng ngủ tiếp 1.5 tiếng cũng dễ khiến cho bạn ngủ sâu hơn nữa, khả năng dậy đc cũng thấp (tất nhiên luyện tập vẫn làm được). Tuy nhiên tổng thời gian giờ đã còn tương đối thấp so với giấc ngủ bình thường, với 5.3 giờ. 

Kiểu 5: Dual Core 2 

Với hình thức này, giấc chính của bạn bị cắt từ 3.5 tiếng xuống còn 2.5 tiếng, tuy nhiên bạn lại có thêm 1 giấc ngủ 20' nữa, tổng là 2 giấc ngủ ngắn trong ngày để cân bằng thời gian ngủ đêm mất đi. Nếu thành thục Dual Core 1 bạn sẽ dễ dàng thích nghi với Dual Core 2. Tổng thời gian ngủ còn 4.6 tiếng. Đến đây, bạn đã có thêm khoảng 3.4 đến 4 tiếng cho mỗi ngày rồi đấy!

Kiểu 6: Dual Core 3
Đây là giới hạn cuối cùng của Dual Core. 1.5 tiếng cho 2 giấc chính để đảm bảo bạn vẫn hoàn thành đủ 1 chu trình ngủ (sleep cycle) để có thể nạp đủ REM, SWS và thêm 1 giấc ngủ ngắn 20' trong ngày. Quan điểm của tôi là nếu ngủ dưới 1.5 tiếng cho giấc chính thì bạn sẽ dễ chịu rủi ro về sức khỏe về sau, khi thiếu REM và cũng không đủ SWS. Hơn nữa, việc có quá nhiều giấc ngủ trong ngày có thể khiến bạn mệt mỏi khi bỏ lỡ 1 giấc, và sắp xếp thời gian cho các giấc sẽ rất khó khăn. Do đó tôi không khuyến khích bạn áp dụng Dual Core 3. Tổng thời gian ngủ trong ngày chỉ còn 3.9 tiếng!

Kiểu 7: Everyman 2

Kế Hoạch Đầu Tiên

       Chào các bạn. Mình tên là Nguyễn Tường, hiện đang là một du học sinh ở nước ngoài. Mình là sinh viên đại học năm thứ 2, chuyên ngành kỹ sư hóa học, phân nhánh polyme. Thôi, tự giới thiệu thế là đủ rồi, giờ đi vào chủ đề chính thưa quý vị.

       Công việc học tập của tôi vốn thực sự là vất vả, có lẽ chẳng cần nói nhiều các bạn đã biết được chuyên ngành của tôi vốn không phải là một thứ đơn giản. Cuộc sống ngày nay công nghệ phát triển tột bậc, nên vì thế mà cuộc sống ngày càng căng thẳng hơn. Tôi cũng dám chắc rằng nhiều người trong số các bạn cũng đủ các công việc phải lo toan, những lúc yếu lòng cũng cảm thấy mệt mỏi rũ rượi. Để đối phó với thực trạng chung đáng buồn này, tôi đã lên kế hoạch tỉ mỉ để thực hiện cho bằng được chế độ ngủ đa pha (Polyphasic Sleep). Vậy chế độ ngủ này là như thế nào, và tôi đã vạch ra chương trình kế hoạch như thế nào, sau đây tôi sẽ thuật lại tường tận toàn bộ quá trình.

       Kết thúc kỳ học mùa thu năm ngoái (Fall Semester 2015) kéo dài gần 4 tháng, tôi cảm thấy kiệt quệ, tinh thần rã oải, tinh lực bào mòn. Hôm nào cũng cày đến mấy giờ sáng mới đi ngủ, mà ngủ toàn đến gần trưa mới dậy. Ngày nào cũng vậy, đều đều như vắt chanh. Và hậu quả của cách sinh hoạt của tôi là một cái giá rất đắt mà tôi phải trả: Ngủ dậy luôn cảm thấy đầu nặng như chì, và chu kỳ nhức đầu là ít nhất 1 tuần một lần- luôn có 1 ngày mà vừa sáng dậy đầu tôi đã nhức như búa bổ và rốt cục là cả ngày hôm đó nhức đầu, gần như không học hành gì được. Dù kết quả học tập là không đến nỗi nào cho cái công cày cuốc miệt mài của tôi, tôi vẫn cảm thấy ấm ức vô cùng, vì vừa chuốc lấy cái mệt, vừa lại cảm thấy cày cuốc nhiều mà trái ngọt lại không được nếm mấy. Vậy là nhân dịp nghỉ Giáng Sinh đến hơn 3 tuần, tôi đã phải tự nhủ với bản thân rằng, nhất định phải thay đổi lại cách sinh hoạt, nếu không thì quỵ sớm. Trong suốt thời gian này, tôi ở nhà và đi chơi cùng với thằng bạn thân. Tôi bị rối loạn giấc ngủ thời điểm đó, vẫn đi ngủ tầm 4-5 giờ sáng, và thức dậy khoảng 12 giờ trưa 1 giờ chiều. Chưa kể còn lịch sinh hoạt với gia đình thằng bạn, rồi còn nhiều buổi giao du này nọ,... tôi không tài nào có cơ hội thay đổi được lịch ngủ. Không sao, tôi tự nhủ, muốn thay đổi thì phải lên kế hoạch. Phải tính tỉ mỉ từng đường đi nước bước, bao gồm lịch học, lịch chơi, đi đi lại lại, đến trường, về nhà, thời gian phải thật chi li cụ thể. Và tôi vùi mình vào nghiên cứu các kiểu sinh hoạt, ăn uống sao cho khỏe mạnh,.. nhưng đều không vừa ý. Thời gian trôi đi, 1 tuần, rồi 10 ngày,...

        Cơ may đến với tôi khi một ngày, trên facebook tôi thấy một người bạn post một bài viết về chính chế độ ngủ đa pha. Tò mò, tôi click vào link đó, và rồi tất cả những gì trình bày trong bài viết đó đã khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chủ nhân của bài viết là anh Nguyễn Viết Vũ, người đã từng thực hiện chế độ ngủ đa pha, nhưng giờ chỉ còn dậy sớm do nhiều ràng buộc cá nhân khác. Tôi nghiến ngấu đọc cho bằng hết tất cả những bài viết của anh Vũ, và dành thời gian suy ngẫm từng điều một. Tuy nhiên, tôi phải phản đối quan điểm của anh về việc ai có thể ngủ đa pha và ai không thể theo được bất chấp những cố gắng. Anh có một bài viết là "Vì sao bạn không thể ngủ Polyphasic Sleep", và cảnh báo về Polyphasic Sleep ra sao. Tôi một mực cho rằng chỉ cần quyết tâm mạnh, ăn uống sinh hoạt điều độ là theo được hết, chứ nói người có gen DEC2 (người ngủ ít), và người bị bệnh mất ngủ mới có thể ngủ đa pha là một điều tôi không thể đồng tình. Và để chứng minh cho những nhận xét đó, tôi bắt đầu quá trình rà soát đấu tranh nội tâm.

        Trước hết, tôi cảm thấy lo lắng, cụt hứng khi đọc bài " không thể ai cũng ngủ được kiểu này". Đó là một kiểu ngủ phức tạp, phải đặc biệt (gen DEC2 hay bệnh mất ngủ) mới theo nổi. Ngẫm lại bản thân, tôi nhận thấy rằng tôi là một người hết sức bình thường, nghĩa là ngày phải ngủ được ít nhất là 8 tiếng, thậm chí có thể lên đến 10 tiếng nếu đêm trước lao lực miệt mài. Tôi nghĩ thầm, mình đúng là một con sâu ngủ, không hơn không kém. Vậy rõ ràng tôi không có gen DEC2 rồi. Tôi cũng không cảm thấy khó khăn khi ngủ lắm (thật ra tùy hôm thôi, nhưng đa phần nằm xuống chỉ 10' đến 15' là ngủ được). Cho nên tôi cũng chẳng bị mất ngủ. Vậy chốt lại vấn đề, tôi chẳng hề sở hữu 2 yếu tố trên. Và như vậy có nghĩa là tôi không thể ngủ đa pha được. Khi tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi sẽ không thể thực hiện được Polyphasic Sleep, thì lý trí nói rằng tôi nên thử cho bằng được. Tôi tự động viên bản thân rằng, đằng nào cũng chưa có nhiều nghiên cứu về chế độ ngủ đa pha, không có nhiều kết luận được rút ra, vả lại trải nghiệm một điều gì đó mới có thể lạ lẫm, thậm chí đau đớn, nhưng sau đó biết đâu lại là những cảm giác thăng hoa tuyệt đỉnh. Nhưng vẫn còn 1 điều nữa tôi có thể tự an ủi bản thân: Một kết luận rõ ràng mà các bài viết đều nói, đó chính là những người có thể chất yếu, bị các bệnh tim mạch, vân vân và vân vân thì không thể ngủ đa pha. Tôi tuy sức khỏe không phải thuộc hàng tối ưu, nhưng ít ra 10 năm rồi không có trận sốt hay phải nghỉ học buổi nào vì vấn đề sức khỏe. Bắt đầu từ điểm tựa này, tôi quyết định bắt đầu dấn thân vào thử thách. Mệt mỏi, vật vờ, không tỉnh táo, ... là những cảm xúc tôi sẽ phải đối mặt khi mới bắt đầu, hay thậm chí là sẽ xảy ra trong suốt quá trình dài. Đó là bước một, tôi đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ càng trước cuộc chiến. Mà có lẽ đó cũng là điều đáng ngại nhất mà tôi phải lo- còn gì tệ hơn cảm giác mệt nhoài, buồn ngủ hành hạ trong cả ngày?

         Bước tiếp theo là tôi tính toán kế hoạch lâu dài, trong vài tháng tới, và 1 năm tới luôn. Bắt đầu từ lịch học của học kỳ này, tôi căn chỉnh làm sao thời gian ngủ có đủ xen giữa các tiết học có nhiều hoặc chỉ đủ thời gian để ngủ. Còn phải ước lượng cả thời gian đến trường rồi về nhà. Tôi vốn không ở gần khuôn viên chính của trường, hàng ngày phải đi xe buýt nên thường mất 45' cả thời gian đi bộ ra bến xe, thời gian xe chở đến trường, thời gian xe chở về nhà, và thời gian đi bộ về đến nhà. Ngoài ra có một số sự kiện tôi phải tham gia hàng tuần ở trường nữa, nên cũng phải đắn đo. Nhưng rồi cuối cùng mọi thứ cũng đâu vào đấy, khi tôi đã tính được từng thời lượng ngủ trong lịch sinh hoạt hàng ngày. Tôi vốn không phải người có nhiều mối quan hệ, chưa cần đi làm thêm, cũng chẳng có bạn gái, nên việc thực hiện chế độ ngủ này cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều phần.

         Bước cuối cùng, là tôi ấn định ngày bắt đầu thực hiện. Tôi trở về căn hộ 3 ngày trước khi kỳ học này bắt đầu. Và đúng cái đêm đó, cái đêm đầu tiên là cái đêm tôi bắt đầu thực hiện kiểu ngủ 2 giấc (Biphasic). Kiểu ngủ này ra sao, cảm giác thế nào tôi sẽ nhắc đến trong một bài nào đó kế tiếp. Chỉ biết rằng, kế hoạch của tôi đã rất hoàn hảo, và tôi chỉ cần triển khai từng bước một. Tôi vẫn cần chứng minh rằng những nhận định của anh Vũ là hoàn toàn sai lầm, rằng người bình thường hoàn toàn có thể tiếp cận, thậm chí duy trì chế độ ngủ đa pha. Với những bạn đọc nào chưa biết kiểu ngủ đa pha là gì, cách thức ra sao, xin mời đọc bài kế tiếp.